Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Phản biện xã hội hay sự "ném đá cộng đồng"



Phản biện xã hội là tất yếu trong đời sống chính trị - xã hội. Ở nước ta, những năm gần đây hoạt động này đã được quan tâm nhiều, nhất là sau khi “phản biện xã hội” được chính thức đưa vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X. Năm 2014, Bộ chính trị cũng đã có các quyết định số 217, 218 về việc ban hành quy chế phản biện và giám sát, góp ý xây dựng Đảng - Chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân. Đảng và Nhà nước đã mở rộng dân chủ, tạo cơ chế và điều kiện cho hoạt động phản biện, đáng buồn là do những nhận thức lệch lạc trong điều kiện dân trí không đồng đều ở nước ta như hiện nay nên phản biện xã hội nhiều khi, với nhiều người đã vô tình hoặc hữu ý trở thành "công cụ" để xuyên tạc, gây rối, phá hoại xã hội, dẫn đến sự lợi dụng của “phản biện xã hội” để trở thành “ném đá hội đồng”
Vậy phản biện xã hội là gì?
Phản biện là sự tranh luận, tức là đưa ra lập luận để làm rõ đúng - sai; trong phản biện phải hội đủ các luận cứ (thực tiễn, khoa học) để làm rõ cái đúng, cái sai của vấn đề đang tranh luận. Vì vậy, phản biện khác với góp ý kiến, phê bình, kiến nghị (không đòi hỏi phải có đủ căn cứ khoa học, thực tiễn). Là sự tranh luận, phản biện bao hàm cả biện luận và phản biện luận, chứ không chỉ “một chiều”. Trong phản biện không chỉ là bác bỏ, phủ định, mà có thể có cả sự bổ sung, làm rõ hơn vấn đề ở góc độ, phương diện khác nhau. Do đó, không thể đồng nhất phản biện với phản bác, bài xích. Phản biện có nội hàm rộng hơn phản bác; phản bác chỉ là một khả năng, một tình huống có thể có trong phản biện.
Phản biện xã hội là sự phản biện của xã hội (hay là sự phản biện mang tính xã hội), là tiếng nói nhận thức của xã hội, tức là sự biện luận, thẩm định, đánh giá của các lực lượng xã hội đối với những chủ trương, chính sách, đề án, dự án... liên quan đến quyền lợi và đời sống của thành viên trong xã hội. Đó là những lập luận có chứng cứ (khoa học, thực tiễn) nhằm phát hiện, bổ sung, chứng minh, khẳng định hoặc bác bỏ, phủ định một chủ trương, chính sách hay đề án được công bố hay đang hình thành. Là “tiếng nói”, phản biện xã hội khác với tâm trạng xã hội (trạng thái tâm lý, tình cảm mang tính cảm tính, thường biểu hiện một cách âm ỉ, âm thầm); phản biện xã hội biểu hiện một cách công khai, rõ ràng. Là “nhận thức”, phản biện xã hội phải có chứng cứ, lập luận; do đó, nó cũng không đồng nhất với dư luận xã hội (không cần phải có chứng cứ, lập luận, lý lẽ).
Bằng những lập luận, chứng cứ dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn của các lực lượng xã hội, các tầng lớp nhân dân, phản biện xã hội làm sáng tỏ đúng - sai của các vấn đề có tính chất xã hội liên quan đến lợi ích toàn xã hội, đến lợi ích của đông đảo nhân dân, giúp Nhà nước điều chỉnh chủ trương, chính sách phù hợp với lợi ích chung. Như vậy, bản chất phản biện xã hội là sự thực hành dân chủ, là đặc trưng rõ ràng của đời sống dân chủ trong xã hội. Do đó, thực hiện phản biện xã hội không chỉ có ý nghĩa đem lại những lợi ích (vật chất và tinh thần) chính đáng, hợp pháp cho xã hội, mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc, phản ánh một mối quan hệ chính trị rất cơ bản: quan hệ giữa Nhà nước với Nhân dân.
Trên phương diện triết học, phản biện xã hội là sự vận động thể hiện rõ nhất sự cân bằng của “sự thống nhất” và “đấu tranh” giữa các mặt đối lập của xã hội, trực tiếp là giữa Nhà nước với xã hội, giữa lực lượng cầm quyền với đông đảo quần chúng nhân dân, giữa chủ thể với đối tượng của quản lý xã hội. Phản biện xã hội là sự tranh luận, biện luận (và phản biện luận) để làm rõ đúng - sai của các chủ trương, chính sách, đề án xã hội, nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích chung của xã hội, do đó, không chứa đựng sự xung đột lợi ích (mặc dù có sự phản ánh các lợi ích của các lực lượng xã hội, của các chủ thể khác nhau). Vì vậy, phản biện xã hội không đưa đến sự phủ định chế độ xã hội, mà hướng đến đảm bảo sự tồn tại của chế độ xã hội với “sự đấu tranh và thống nhất của các mặt đối lập” trong sự tự phát triển của nó. Phản biện xã hội được thực hiện bằng hai dạng hành động cơ bản là biện luận và phản biện luận, chứng minh (khẳng định) và chứng minh ngược lại (phủ định). Vì vậy, bản chất phản biện xã hội cũng bao hàm “sự đấu tranh và thống nhất của các mặt đối lập”.
          Bản chất của phản biện xã hội là như vậy, xong trong thực tế hiện nay có nhiều người đã không hiểu thực chất của vấn đề nên đã lợi dụng phản biện xã hội để gây ra tranh luận, gây ra sự chú ý của một cá nhân hay tổ chức. Nguy hại hơn sự không hiểu hay cố tình không hiểu phản biện xã hội đã và đang xảy ra trong nhiều cuộc họp của các cơ quan hiện nay. Sự hiểu không đúng bản chất của phản biện xã hội dẫn đến tình trạng “ném đá hội đồng”.
Một số biểu hiện lệch lạc, lợi dụng phản biện xã hội
Chúng ta đều đồng ý rằng phản biện là nhu cần lớn trong tư duy và trong hành động, của cá nhân và của xã hội, của tư nhân hay của nhà nước. Thiếu phản biện đương nhiên là chúng ta mù một phần.
Trong phản biện, luôn cần có tư duy tích cực, người có tư duy tích cực thì khi phê phán vấn đề gì đó luôn khách quan với tinh thần xây dựng, đánh giá đúng cả mặt được và mặt còn hạn chế, yếu kém, nghĩa là biết khen chê chính xác, vô tư.
Tuy nhiên, do nhận thức không đầy đủ, chưa "đến tầm" hoặc cố tình lập lờ, đánh lận nên thời gian qua hoạt động "phản biện" đã có một số biểu hiện sau:
Phủ nhận, bôi đen tất cả, không chịu nhìn nhận, ghi nhận bất kể thành quả nào mà đất nước đã đạt được. Phản biện là nhằm hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn nhưng những người này lại muốn kéo lùi lịch sử, "nuối tiếc" mà so sánh và mơ tưởng về một xã hội khác, phủ nhận những gì mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng.
Chống phá, phản đối tất cả các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án mà Đảng và Nhà nước đề ra. Những ví dụ điển hình: phương châm ngoại giao đa phương, không lệ thuộc; chủ trương lấy phiếu tín nhiệm; các dự án phát triển hạ tầng, các công trình đền ơn đáp nghĩa; ...
Xuyên tạc, xét lại tất cả các vấn đề chính trị - lịch sử - xã hội để kích động, gây mất lòng tin. Đó không phải là phản biện, và cũng không phải là tự do ngôn luận. Đó là vô lễ, phản trắc và gây rối loạn, không khác gì chủ nghĩa phát xít với cách tuyên truyền nhồi sọ "sự thật là hàng nghìn lần nói láo".
Lải nhải tiêu cực, phàn nàn chung chung mà không có luận cứ chứng minh việc gì cụ thể, không liên hệ đến người nào cụ thể. Ví dụ: Đảng hèn với giặc, ác với dân; Chính quyền toàn là một lũ tham ô; công chức toàn là một lũ vô trách nhiệm; thời thế loạn lạc sâu bọ cai trị người; Chơi với Trung quốc là bán nước; Hồi giáo là cực đoan khủng bố; Không liên minh với Mỹ là sai lầm, tự cô lập mình, chơi với Nga là ngu dốt...
Khi nói đến người hay việc cụ thể, thì lại chụp mũ vô căn cứ để đả kích, bài xích mà chẳng đưa ra được điều gì cụ thể để chứng minh. Ví dụ: Thằng dốt đó mà làm cán bộ gì; Làm cái dự án đó là ngu; Nhà nước làm công trình đó là đốt tiền dân; Ông đấy là lãnh đạo, đi làm việc đó chỉ để đánh bóng ấy mà...
          Tất cả những vấn đề nêu trên đó không phải là sự phản biện xã hội mà đó là “ném đá hội đồng” để gây chia rẽ, mất đoàn kết hay vì một mục đích cá nhân nào đó.
          Vậy ai là những kẻ lợi dụng phản biện xã hội để gây ra sự “ném đá hội đồng”?
Đó là các đối tượng lưu manh chính trị
Những kẻ cơ hội, ăn bổng lộc chế độ hoặc dân nuôi, giữ sổ lương nhưng ngấm ngầm bơm thổi những tư tưởng xét lại, bất mãn, tìm cách gây bất ổn xã hội để "đục nước béo cò".
Những kẻ "đón gió trở cờ", hóng những diễn biến ở thượng tầng, trong nước cũng như thế giới, cho rằng cơ hội sắp đến nên ra mặt đả kích, bôi xấu chế độ, tung hô ngoại bang và các thế lực mang danh "cấp tiến" để ghi điểm, chờ thời.
Những người "bình tĩnh, khách quan", họ luôn cho rằng cần phải "khôn ngoan", đứng ngoài mọi chuyện, song lại âm thầm kích động, rồi đứng trên để phán xét mọi chuyện. Về bản chất, nhóm này cùng những kẻ "đón gió trở cờ" chỉ là một.
Các đối tượng thần kinh chính trị
Đó là những kẻ hoang tưởng, tự cho mình là "vĩ nhân" dù kiến thức chắp vá, không sâu sắc về bất cứ vấn đề gì, chỉ nói lấy được, không cần lắng nghe chính ý kiến ,phản biện. Với họ, câu cửa miệng luôn là "chân lý không thuộc về đám đông; chỉ ta mới có tầm; cả đời đục, mình ta trong"..., chính bởi suy nghĩ như vậy nên bất kể vấn đề gì họ cũng phải cố nặn ra lý lẽ để nói ngược lại ý kiến của người khác.
Những kẻ ăn theo nói leo, nhiều vô số kể. Họ không có bất cứ nền tảng nhận thức nào, nhưng thích được "nổi tiếng" nên chuyên theo đuôi đám lưu manh chính trị và những người hoang tưởng, đọc các blog đen, nghe BBC, RFA, VOA… rồi nói dựa, nói theo chỉ nhằm thể hiện cá nhân, gây sự chú ý. Vậy nên, thường là câu nọ đá câu kia, hôm sau khác hôm trước, chỉ cần "rắc thính" là số này mắc câu ngay, khi được góp ý hoặc có ý kiến phản bác thì họ lại "tự hào" để khoe rằng "mình được phong là phản động".
“Ném đá hội đồng” xuất phát điểm là một thói quen cần được hạn chế và loại bỏ để xã hội tốt đẹp hơn, con người sống với nhau thân ái hơn, một khi thói quen ấy vượt ngưỡng thông thường sẽ gây ra những hậu quả khó có thể khắc phục. Có lẽ cơ quan chức năng cần đưa ra những chế tài để xử phạt một cách thích đáng!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét